GĐPT Giác Nguyên
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


GĐPT Giác Nguyên số 1/10C Ấp Dân Thắng 2 Xã Tân Thới Nhì Huyện Hóc Môn TpHCM
 
Trang ChínhTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập

 

 Bài 23 HIỂU VÀ THƯƠNG

Go down 
Tác giảThông điệp
admin
Admin
Admin



Tổng số bài gửi : 110
Join date : 22/02/2010
Age : 31

Bài 23 HIỂU VÀ THƯƠNG Empty
Bài gửiTiêu đề: Bài 23 HIỂU VÀ THƯƠNG   Bài 23 HIỂU VÀ THƯƠNG EmptyTue Feb 23, 2010 9:50 pm

HIỂU VÀ THƯƠNG

I. Em nghe:

Trong năm điều luật của ngành Thiếu GĐPT có hai điều quan trọng liên hệ với HIỂU và THƯƠNG; đó là: "Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống" (THƯƠNG) và "Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật" (HIỂU). Hiểu và thương là hai yếu tố dính liền với sự sống cá nhân, gia đình và đoàn thể. Mỗi người chúng ta khi chào đời là đã tiếp nhận đầy đủ sự sống, trí tuệ và lòng yêu thương mà cha mẹ đã trao truyền. Trí tuệ để hiểu biết và tình yêu thương để ban bố. Nghệ thuật sống là nghệ thuật phối hợp trí tuệ và tình yêu thương nhằm làm đẹp cuộc sống bản thân, gia đình, đoàn thể nghĩa là làm đẹp cuộc đời. Làm đẹp đây là ổn định được sự sống thanh tịnh, ổn định được trí tuệ tỉnh thức và ổn định được tình yêu thương chân thành cho cá nhân, cho gia đình, cho đoàn thể, cho xã hội và cho muôn loài chúng sanh. Nếu chúng ta thực hiện được như vậy thì cuộc sống trên thế gian này đâu còn đau khổ nữa và cõi Ta Bà này chính là "Tây Phương Cực Lạc" rồi.

II. Em suy nghiệm:

Tại sao chúng ta chưa làm được những điều trên đây? Trước hết, chúng ta hãy tự hỏi mình: "Chúng ta đã biết thương cái thân của chúng ta chưa?" Chúng ta đã hiểu rõ những nhu cầu về cơ thể, về tâm trí của chúng ta chưa? Điều gì nên làm, điều gì nên tránh để đáp ứng những nhu cầu ấy? Ví dụ, chúng ta ham ăn để dạ dày chúng ta đau đớn, hút thuốc để hại buồng phổi, luôn nổi sân si để những con giận đốt cháy lòng ta, làm lu mờ trí óc ta v.v... như vậy có phải là ta đã không biết thương thân mình hay không? Nếu ta biết thương thân mình rồi, ta cũng thương người khác vì ta biết rằng mọi người đều giống nhau: tham sống sợ chết, tham vui sợ khổ. Ngoài ra, muốn thương thì phải hiểu, phải có trí tuệ, phải biết người khác muốn gì, cần gì, và điều gì là tốt nhất cho người ta. Một bà mẹ nuông chiều con, cho con muốn gì được nấy, rốt cuộc cậu bé hư hỏng. Như vậy có phải là thương không? Một ông cha bảo rằng thương con, muốn cho con nối chí mình, bắt con phải học bác sĩ trong khi đứa con thích học âm nhạc và chỉ có khiếu về âm nhạc. Con rất hạnh phúc khi bắt gặp những âm điệu, rất thích thú khi làm được một bài nhạc hay. Con chơi đàn rất tuyệt nhưng lại dở Toán, Lý Hóa. Con rất khổ sở phải theo học những môn Toán, Lý Hóa. Trong khi đó, các thầy dạy nhạc cho rằng con mình sẽ là một nhạc sĩ có tài. Vậy thì nguời cha này có thật thương con mình không? - Không! thật ra ông ấy chỉ thương ông ta, làm theo hoài bão của ông ta mà không phải là mong muốn của người con. Ông ta không hề nghĩ về khả năng đặc biệt cũng như cuộc sống sau này của con mình. Nói cách khác, thương mà không hiểu nhiều khi không những không đem lại niềm vui cho người khác mà còn làm người khác phiền não, đau khổ.

III. Em tu tập:

Để thực hành hiểu và thương, em luôn trau dồi trí tuệ và phát triển lòng thương được soi sáng bởi trí tuệ. Em biết rằng trước khi làm được những chuyện lớn, em phải biết làm những chuyện nhỏ. Như một nhà văn Pháp đã nói: "Trước khi làm một vì sao trên trời, hãy làm một ngọn đèn nhỏ trong nhà". Cũng vậy, muốn làm Phật để cứu độ chúng sanh, trước hết em phải làm một người con hiếu, một người anh/chị/em biết thương anh chị em mình, một người bạn chân thành, một công dân gương mẫu, một người Phật Tử chân chính.

Hằng ngày, em săn sóc cha mẹ bằng cách riêng của em. Săn sóc đôi khi chỉ là hỏi han họ, quan tâm đến họ: khen mẹ làm thức ăn ngon, cảm ơn cha đã lau xe cho mình một lần nào đó, giúp mẹ rửa chén, lặt rau, giúp cha tưới cây, cắt cỏ v.v...

Gặp một em bé đang khóc một mình trong sân chùa đông người, em dỗ bé, đem bé đi tìm mẹ; đưa một bà cụ đến nơi bà muốn, cho một em bé quá giang xe mình vì ba mẹ em không đến được; dịu dàng an ủi, góp ý với một bạn Đoàn khi thấy bạn buồn phiền và đang cần đến em; nhường nhịn em bé, không gây lộn với anh/chị/em dù họ đang nóng nảy làm phiền mình; cứu một con chim bị lọt vào ống khói, lượm một cái đinh, cái gai giữa đường đi v.v... Tất cả không ngoài mục đích trau dồi tình thương nơi tâm mình, làm công việc "Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ" mà mình thường đọc tụng mỗi Chủ Nhật. Việc này không cần phải lớn mới làm được, không cần có tiền bạc mới làm được, mà chỉ cần một tấm lòng thương yêu và một đầu óc tỉnh táo sáng suốt hiểu biết thấu đáo về người và về mình. Làm tất cả các việc thiện dù nhỏ, tránh tất cả các việc ác, với tâm trong sáng vô tư, không mong cầu đền đáp hay được tiếng khen; đó là ta đã đích thực tu nhân giải thoát vậy.

Câu hỏi:

1. Em hãy chứng minh rằng năm điều luật của ngành Thiếu GĐPT bao gồm năm giới.

2. Giảng nghĩa những chữ sau: sự sống thanh tịnh, trí tuệ tỉnh thức, tình yêu thương chân thành.

3. Tại sao nói: "Muốn thương thì phải hiểu"? Thương mà không hiểu thì sao? Cho một ví dụ để giải thích câu trả lời của em.

4. Em áp dụng: "sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ" như thế nào trong cuộc sống hàng ngày?

5. Em có bắt bướm ép vào sách không? Tại sao?

6. Em có bắn chim hay bẫy chim không? Tại sao?
Về Đầu Trang Go down
https://giacnguyen.forumvi.com
 
Bài 23 HIỂU VÀ THƯƠNG
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
GĐPT Giác Nguyên :: Phật Pháp :: Ngành Thiếu-
Chuyển đến